C
Cường YP
Guest
Với những người chưa có kiến thức về âm thanh cũng như những ai mới bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực này, thường sẽ cảm thấy một bộ dàn âm thanh rất phức tạp. Vì khi tiếp xúc với một dàn âm thanh hoàn chỉnh, nó sẽ bao gồm rất nhiều thiết bị và các dây kết nối chằng chịt giữa các thiết bị. Chính vì thế bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn về những thiết bị cơ bản nhất, cần có để tạo thành một dàn âm thanh. Đây sẽ là cơ sở để cho những ai mới vào nghề có thể hiểu rõ vai trò của từng thiết bị, cũng như cách đi dây theo thứ tự một cách đơn giản nhất.
Một hệ thống âm thanh cơ bản sẽ bao gồm những thiết bị với thứ tự kết nối như sau:
1. Source hay còn gọi là nguồn âm
Gọi với tên Source hay nguồn âm có thể sẽ gây khó hình dung cho nhiều người, nhưng nó lại rất quen thuộc với đời sống thường ngày. Đây là các thiết bị đóng vai trò làm nguồn phát âm thanh trong một bộ dàn. Ngoài thực tế các nguồn phát hay gặp nhất thường sẽ là micro, các loại đầu DVD, CD, các loại nhạc cụ như guitar, organ, piano điện...
Các thiết bị đóng vai trò nguồn phát sẽ cung cấp tín hiệu âm thanh cho bộ dàn của bạn, đến loa là điểm nhận cuối cùng và chuyển thành sóng âm truyền đến tai người nghe.
2. Mixer - bàn điều chỉnh âm thanh
Đây có lẽ là thiết bị âm thanh quen thuộc nhất đối với chúng ta. Bất kì ở hệ thống âm thanh nào đi chăng nữa thì mixer luôn là thiết bị không thể thiếu. Đôi lúc chúng ta thường không nhận ra sự xuất hiện của thiết bị này, vì ở những dàn karaoke, hoặc các thiết bị power mixer, thì để đơn giản hóa bộ dàn, nhà sản xuất đã sản xuất 1 thiết bị có cả chức năng mixer tích hợp trên ampli.
Nhiều người thường ví mixer như là trái tim của hệ thống âm thanh, điều này hoàn toàn chính xác. Các tín hiệu đầu vào đều sẽ phải kết nối qua mixer, và người dùng sẽ kiểm soát tín hiệu dựa trên thiết bị này. Chính vì thế nếu để ý các bạn sẽ thấy những kỹ thuật viên âm thanh khi điều chỉnh các dàn âm thanh đều sẽ đứng ngay vị trí đặt mixer và tùy chỉnh trên nó.
3. Processor - Các bộ xử lí tín hiệu
Đây có lẽ là các thiết bị "lạ lẫm" nhất trong dàn âm thanh đối với những người mới vào nghề. Với những dàn âm thanh đơn giản, phục vụ các nhu cầu thấp thì thường ít sử dụng các bộ xử lí tín hiệu, mà thay vào đó họ sẽ sử dụng những loại mixer được tích hợp sẵn những tính năng xử lí tín hiệu đơn giản của Echo, Equalizer có trên đó.
Tuy nhiên thì để "chuyên nghiệp hóa" hiệu quả xử lí tín hiệu cho hệ thống âm thanh, thì các bộ xử lí tín hiệu là thiết bị không thể thiếu. Với các dàn âm thanh sử dụng chuyên để ca hát, biểu diễn, thì luôn phải có Echo tạo tiếng vang cho Vocal (giọng ca). Còn ở những dàn âm thanh chuyên nghe nhạc, Equalizer sẽ giúp cho bộ dàn thể hiện được tốt nhất những dải tần số mà bạn mong muốn truyền tải đến người nghe. Ví dụ như ở thể loại nhạc Rock thì cần xử lí âm thanh có nhiều tiếng bass.
Ngoài ra thì còn có các thiết bị như: Compressor, crossover, limiter, các bộ xử lí tín hiệu số (digital)... Và các bạn sẽ phải tìm hiểu thật kĩ nó nếu muốn nâng cao khả năng xử lí tín hiệu của mình.
4. Amplifier - Tăng âm
Có lẽ không phải đề cập quá nhiều về ampli vì nó tương đối phổ biến hơn với nhiều người. Một dàn âm thanh thì không thể nào thiếu ampli được, vì nó sẽ đóng vai trò khuếch đại tín hiệu nó nhận được từ nguồn âm, chuyển tới loa phát ra thành âm thanh cho người nghe.
Hiện tại nhiều loại ampli, đặc biệt là ampli karaoke thường tích hợp sẵn mixer trên đó để đơn giản hóa các thiết bị cho người dùng. Tuy nhiên thì cần kiểm tra kĩ chất lượng khi chọn mua ampli, vì đôi lúc các bạn sẽ gặp phải những loại ampli được ghi công suất lên đến 1000W, nhưng khi đo bằng Watt metter chỉ còn ...40W. Cần phân biệt rõ công suất đỉnh và công suất hiệu dụng của ampli.
5. Speaker - Loa
Chắc chắn rồi, không thể nào thiếu loa khi đề cập đến dàn âm thanh hoàn chỉnh. Với vai trò là thiết bị nhận tín hiệu cuối cùng, tác động màng loa rung tạo thành sóng âm để tai người nghe được (xem thêm về cơ chế hoạt động của loa).
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại loa, với chủng loại cùng xuất xứ khác nhau. Cần xác định rõ nhu cầu của bạn trước khi bắt tay vào chọn mua loa, vì nếu không xác định rõ, rất có thể bạn sẽ mua phải những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. (Có thể tham khảo qua bài viết: Cách chọn loa phù hợp hệ thống âm thanh gia đình)
Hy vọng qua bài viết Các thiết bị cơ bản của một hệ thống âm thanh, các bạn sẽ có được cho mình cái nhìn tổng thể nhất về các thiết bị cần phải có cho một dàn âm thanh cơ bản. Đây sẽ là những kiến thức nền phải có để có thể bước chân vào lĩnh vực âm thanh này.
Xem thêm: lacvietaudio.com